Home » tự học Chiêm Tinh » Hướng nội và hướng ngoại
Hướng nội và hướng ngoại
By Unknown on Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014
Có nhiều định nghĩa khác nhau về hướng nội và hướng ngoại, do vậy, cũng đem đến nhiều đề cử khác nhau về các cấu trúc mô tả tính cách hướng nội hay hướng ngoại trong Chiêm Tinh. Mà theo cá nhân tôi thấy, các định nghĩa này dẫm chân nhau, mâu thuẫn nhau, xung đột nhau là rất bình thường. Ban đầu tôi cũng không định viết về đề tài này vì thực ra, bản thân tôi chả có định nghĩa nào đủ tốt để giải quyết rốt ráo vấn đề này cả. Bài viết này, nói cho đúng ra là nhằm giúp các bạn tiếp cận lại một số vấn đề mà tôi e là các bạn đã hiểu chưa thật đúng khi đọc các tài liệu bằng tiếng Anh. Cách tư duy của người Việt và người phương Tây có khác biệt khá lớn, do đó, cách dùng từ và hiểu nghĩa của từ cũng cần chút dụng tâm mới có thể nắm bắt đúng trọng điểm. Các thuật ngữ tôi sử dụng trong bài đều có giải nghĩa ở bài viết Từ Điển Thuật Ngữ, đề nghị không hỏi lại.
Có những trang mạng nói rằng nhiều hành tinh nằm ở các cung đêm thể hiện bản tính hướng nội, tuy rằng các cung đêm đều có chung đặc tính là dạng môi trường có sao dùng vậy, chú trọng triết lý "lành làm gáo, vỡ làm muôi", và nếu ở trong số đó có bóng dáng Bảo Bình hay Thiên Vương Tinh thì khuyến mại thêm câu "lôi thôi bà cho vào sọt rác", khụ, nên nhận định ấy ít nhiều có lý, nhưng để dẫn dắt bạn đến chỗ hiểu thật đúng vấn đề, tôi sẽ cho bạn một ví dụ nhỏ.
Trong các cung đêm, cung 3 là 1 trong 3 cung giao tế. Các nhân vật trong dạng quan hệ có sao dùng vậy, miễn kén cá chọn canh chính là anh em ("anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần" mà), hàng xóm láng giềng, đôi khi là bạn cùng trọ, các dạng bối cảnh có sao dùng vậy là trường học (tất nhiên ở Việt Nam thì tình hình hơi khác, nhưng thông thường người chọn trường cũng là phụ huynh ta chứ không phải ta) căn nhà nơi ta sống, bối cảnh sinh hoạt gần nhà như công viên, bến xe... Ở đây có một sự nhận mệnh nhiều hơn là thụ động, ít nhất là theo cách hiểu 2 chữ thụ động của người Việt, bởi vì có sao dùng vậy không có nghĩa là thái độ trơ gan cùng tuế nguyệt. Gặp người quen thì ta vẫn phải chào hỏi, tất nhiên trừ phi bà con đều biết rõ ta khinh người thành tính, trời mưa vẫn phải biết chạy vào nhà, trừ phi ta đang tâm thần bất ổn hoặc bị dở hơi. Đã là giao tế thì không thể nào chỉ có mình ta với ta. Tuy nhiên, cũng có loại người gặp ai cũng có thể toe toét như hoa loa kèn, ví như mặt trời Song Tử cung 3, nhưng cũng có loại người sẽ không tự dưng mà cho không ai nụ cười hòa nhã, có thể nhân dịp sao Thổ Bò Cạp ở cung 3 chẳng hạn. Cả 2 loại người này đều có thể dùng cung 3, nóc cung 3 và sao ở cung 3 để xem, và rất khổ là, ai dám bảo 1 kẻ gặp ai cũng toe toét như hoa loa kèn là hướng nội nào?
Đảo ngược lại, các cung ngày là địa phương cho phép người ta được suy tính, cân nhắc và chọn lựa, nhưng đồng thời, vì vậy cũng phải bỏ công bỏ sức vào đó thì mới có thành tựu được. Ở đó ta chủ động tìm kiếm điều ta muốn, đầu tư công sức, tiền bạc, suy nghĩ, thời gian để đạt được nó. Việc nhiều hành tinh rơi vào một khu vực đương nhiên khiến cho các hoạt động do nhóm hành tinh ấy chủ quản đều tập trung biểu hiện trong khu vực đó, và tóm lại, có thể tăng mạnh tính chủ động của cá nhân. Nhưng đặc biệt lưu ý, người ta hoàn toàn có thể chủ động nhốt mình trong phòng thức đêm ngủ ngày, không tiếc thời gian công sức với âm mưu thâm độc là thắng bằng được ...Game Flappy Bird. Và nếu bạn biết thế nào là một Otaku Nhật Bản, bạn sẽ hiểu rằng trên đời này, có rất nhiều người sử dụng quyền chủ động chọn lựa của mình vào những mục đích ba chấm như thế nào, và trông họ "hướng ngoại" ra sao.
Những hành tinh thuộc bán cầu Đông thường hoạt động với khuynh hướng ngồi xổm trên dư luận. Còn những hành tinh ở bán cầu Tây hoạt động với khuynh hướng chú trọng hoàn cảnh khách quan, để ý sắc mặt người khác. Quá chú trọng ý muốn của mình cũng là một dạng hướng nội, nhưng đôi khi nó là ngang ngược, đôi khi nó lại là âm thầm cố thủ. Quá để ý hoàn cảnh khách quan có thể là hiền lành, mềm mỏng, lại cũng có thể là người có cái mũi hơi dài, chuyện gì cũng chõ vào được.
Vấn đề cung Mọc là lửa hay khí sẽ hướng ngoại, là đất hay nước thì hướng nội, rồi nhiều sao thuộc cung lửa thì hướng ngoại, nhiều sao cung nước hướng nội, blah, blah... cũng không phải một định nghĩa chắc chắn. Ví như mặt trời Song Ngư có thể đại biểu cho tinh thần tận tụy hy sinh, nhưng nếu nó đang ở cung 1, lại khá gần AC thì cá nhân dù có chết cũng phải chết ở giữa sân khấu mới cam lòng. Đảo lại, cung mọc Bạch Dương nhưng lại có một rổ sao ở Song Ngư cung 12 thì phải bình luận thế nào đây? Ai có thể phát biểu rõ ràng xem như thế là hướng ngoại hay hướng nội?
Một bí quyết khác để tìm kiếm tính hướng nội hay hướng ngoại trên lá số là tính điểm cho các hành tinh, số điểm tính thường dựa trên mức độ đắc, hãm, số góc chiếu mạnh, yếu, ít, nhiều. Bí quyết này dựa trên lí luận rằng cường độ ảnh hưởng của hành tinh cho thấy mức độ nổi bật của dạng hoạt động sống tương ứng. Nếu hành tinh có điểm cao là Mặt trời, sao Hỏa, sao Thủy, sao Mộc, Thiên Vương thì hướng ngoại, là Mặt trăng, sao Kim, sao Thổ, Hải Vương, Diêm Vương thì hướng nội. Tuy nhiên, bí quyết này lại chống chỉ định với những trường hợp có các sao tranh nhau làm thủ trưởng, tức là có vài hành tinh trái ngành nhưng điểm số thì cao mấp mé bằng nhau cùng tranh giành ảnh hưởng. Chưa kể, giả sử một mặt trăng cực mạnh lại thuộc cung lửa thì con người là của cảm xúc, mà cảm xúc ấy thì miễn giấu diếm ai, hay một sao Hỏa cực mạnh lại rơi vào cung Song Ngư khiến câu hỏi có hành động không cho đáp án rằng không biết. Vậy thì biết lý giải thế nào?
Mỗi cá nhân là một tổ hợp phức tạp của các nét cá tính. Nếu cung Mọc quyết định giúp ta ấn tượng ban đầu về cá nhân thì cũng chính nó quy định vị trí cung địa bàn cho các hành tinh, và chính các hành tinh mới quản chiếu sinh hoạt cụ thể của một cá nhân. Một hành tinh gặp cung Hoàng đạo và góc chiếu tạo thuận lợi cho chức năng của nó thì đắc Thiên thời, gặp cung địa bàn thuận lợi cho chức năng của nó thì được địa lợi, gặp người biết khai thác sử dụng nó để tạo nên công dụng thì được nhân hòa. Được thiên thời thì dễ có thiên phú, được địa lợi thì nhờ thói quen rèn giũa hun đúc tạo nên kỹ năng, có nhân hòa thì thiên phú và kỹ năng mới có thể dùng tốt không uổng phí. Hướng ngoại của thiên thời là các cung lửa và cung khí, hướng nội là các cung đất và nước. Hướng ngoại của địa lợi là các cung lẻ, hướng nội là các cung chẵn. Nếu ta nói đối với nhân hòa, hướng nội là biết mình, hướng ngoại là biết người, đó chính là một vấn đề mà không có cấu trúc nào trên một lá số Chiêm Tinh có thể quy ước ra được.
Tối thiểu, chúng ta sẽ cần dùng đến 3 định nghĩa về hướng ngoại và 3 định nghĩa về hướng nội chia thành 3 cặp như đã nói. Và đó là lý do câu hỏi về hướng ngoại hay hướng nội không dễ trả lời.
Nhãn:
chiêm tinh,
hướng ngoại,
hướng nội,
quybaba,
tự học Chiêm Tinh
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét